Kỳ 1: Bản chất của Phong thủy trong Kiến trúc
Ngày nay, mỗi chủ nhân có ý định làm nhà đều rất quan tâm đến Phong thủy, Tướng số của mình nhằm kết hợp để tạo ra một ngôi nhà “hoàn hảo và an toàn”. Để đáp ứng mục tiêu đó, họ thường tìm đến sự chỉ dẫn và tư vấn của Kiến trúc sư, Thầy Địa lý hay của những sách vở được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, Phong thủy là một khái niệm trừu tượng và hết sức phức tạp, khiến người chủ nhân không khỏi hoang mang khi tiếp nhận và ứng dụng chúng vào thực tế. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi Phong thủy là sản phẩm được đúc kết từ kinh nghiệm, do đó mà hình thành hai trường phái rõ rệt: “Phong thủy khoa học” và “Phong thủy dị đoan”. Trong đó, Phong thủy khoa học là những thuật toán đã được khoa học chứng thực, còn Phong thủy dị đoan lại mang nặng tính duy tâm, cực đoan và chưa có chỗ dựa khoa học vững chắc, mà chỉ tuân theo chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy. Vậy, điều mà chúng ta quan tâm nhất chính là tính xác thực của các thuật toán Phong thủy. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần trở lại bản chất cội gốc của Phong Thủy.
Theo Kinh Dịch, bản chất của vũ trụ là “Khí”, Khí hình thành nên vạn vật, kể cả trái đất. Khí không tự nhiên sinh ra và mất đi, mà chỉ di chuyển nơi này đến nơi khác, biến đổi từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Xét về mặt Địa khí, Khí được chia ra làm hai loại là Hung khí và Vượng khí, hay Sinh khí và Tử khí, vận động theo quy luật “Khí gặp Phong thì tán, gặp Thủy thì tụ”, mà Khí chỉ ở một trong hai trạng thái tán hoặc tụ, vì vậy bản chất của thuật xem địa lý cũng chính là xem Phong Thủy. Vậy, trong thuật Phong Thủy, thầy địa lý dựa vào các yếu tố địa hình, kết hợp với “Tàng phong tích thủy” hợp lý mà điều tiết khí sao cho thích hợp nhất với số mạng của gia chủ, cốt sao hưởng được vượng khí mà tránh được tối đa hung khí.
Bát Quái – Ngũ Hành là cơ sở tính toán chủ đạo của Phong Thủy, tuy nhiên chúng còn mang nặng tính quy ước và chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nhân cần hiểu rõ bản chất của chúng trước khi ứng dụng vào thực tế của bản thân.
PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC
Trong Kiến trúc, điều cốt lõi để chọn được vị trí đắc địa chính là dựa vào yếu tố địa hình gò đồi xung quanh, bố trí cây xanh, mặt nước để điều tiết lượng gió cho phù hợp, qua đó đón vượng khí và lưu chuyển chúng lâu dài trong nhà. Ngoài ra, bản thân ngôi nhà cũng phải che chắn, đón gió và đối lưu hợp lý thông qua rèm, cửa, bố trí vật dụng để khí trong nhà cũng được tích tụ và lưu thông một cách điều hòa. Đặc biệt, để chọn được vượng khí tốt còn phải dựa vào các yếu tố khác như coi mạng số, đời sống kinh tế, địa vị,… của gia chủ, từ đó mới có hướng nhà thích hợp nhất. Bản thân vượng khí cũng phải điều tiết sao cho vừa đủ, nhiều quá hay ít quá đều có hại. Vì vậy, Phong thủy là một thuật toán hết sức phức tạp và linh hoạt, đòi hỏi người xem phải có kiến thức sâu rộng, nếu không sẽ dẫn đến chủ nghĩa kinh nghiệm và mê tín dị đoan. Nhìn chung, kiến trúc đứng giữa phong thủy cần đạt được các yếu tố: Tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ – tiền Chu Tước – hậu Huyền Vũ; tiền án, hậu chẩm, minh đường; sơn quần thủy tụ,…, như vậy mới là cuộc đất long mạch. Cụ thể, ngôi nhà nên nhìn mặt ra sông, tựa lưng vào núi, che chắn trước sau, hai bên có gò đống bảo vệ, nếu không thì có thể tự tạo như bình phong, bể cạn, non bộ hoặc trồng cây xanh mật độ dày mỏng khác nhau cho phù hợp.
Ứng dụng Phong thủy trong xây dựng Kinh thành Huế: Thế tọa Càn, hướng Tốn, khắc chế hướng Cấn (Quỷ môn) bằng Trấn Bình Đài, xung quanh có Sơn quần thủy tụ che chở bảo vệ, trước mặt có sông Hương làm Minh đường tạo thế đất bồi, trước – sau có núi Ngự Bình – đèo Ngang làm Tiền án – Hậu chẩm che chắn và điều tiết vượng khí, hai bên có cồn Hến và cồn Dã Viên tạo thế Tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ bảo vệ cho Kinh thành,…
Trong mối tương quan giữa ngôi nhà và dòng chảy xung quanh, ngôi nhà có thể thích hợp với các thế đất: cự môn thổ tinh, nước cong chín khúc, nước bao kép ở phía trước, nước bao vòng, văn khúc thổ tinh là thế đất bồi, cát tướng; và nên tránh các thế đất dạng: dắt trâu, chữ bát, cung ngược, nhảy ngược, lưỡi nhô, dạng bị xói, chữ đinh ngược, dạng cầu bạch hổ, nước cong ngược, bạch hổ quay đầu… là thế đất lở, hung tướng dễ gây bất an và tai họa bất ngờ.
Một số thế đất tốt – cát tướng trong Phong thủy
Một số thế đất xấu – hung tướng trong Phong thủy
Trong Phong thủy, người xem thường dựa vào mối tương quan giữa ngôi nhà và dòng chảy (dòng lưu thông của Khí) để biết được cuộc đất tốt – xấu. Ngày nay, chúng ta cũng có thể xem con đường và dòng xe lưu thông như là một dòng chảy. Thế đất tốt luôn có được một dòng chảy hài hòa, hội tụ; còn thế đất xấu lại phải hứng chịu một dòng chảy thất thường, ly tán dễ gây bệnh tật, tai họa.
Tất cả khẳng định một nguyên lý cơ bản của Phong thủy: hết sức nghiêm ngặt và vô cùng linh hoạt. Theo Phó Đức Tùng: “Trong Phong thủy, mỗi nhà, mỗi chi tiết bài trí chỉ tối ưu cho một chủ sử dụng, thậm chí trong từng thời gian từng công việc. Điều này dẫn đến yêu cầu hàng đầu của Kiến trúc là phải rất linh hoạt, dễ thay đổi, sắp đặt lại theo thời gian, công việc, chủ sử dụng. Những hình thức vách ngăn động, bình phong là giải pháp cho nhu cầu này” [5]. Nếu dựa trên những nguyên lý khoa học, kết hợp với tính linh hoạt trong lối sống người Việt, Phong thủy sẽ trở thành một đặc trưng độc đáo trong thủ pháp thiết kế của kiến trúc nước ta, và tránh dần những ma thuật Phong thủy cực đoan, phản khoa học.
KTS. Đặng Nhật Minh – Bộ môn LL & LSKT – Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM
Tài liệu tham khảo:
- Phan Thuận An – Kiến trúc cố đô Huế – NXB Đà Nẵng, 2007
- Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Cường Lê – Festival Huế 2008 – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 157, năm 2008
- Nguyễn Hà (dịch) – Chọn hướng nhà và bố trí nội thất theo thuật Phong thủy – NXB Xây dựng, Hà Nội, 1996
- Đặng Thái Hoàng, Nguyễn Văn Đỉnh – Văn hóa và Kiến trúc Phương Đông – NXB Xây dựng, Hà Nội, 2009
- Phó Đức Tùng – Phong thủy và Bản sắc Á Đông trong Kiến trúc – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 2, trang 77